Honda – Giấc mơ thành hiện thực

Ở Việt Nam, người ta gọi “xe honda” để chỉ tất cả các loại xe gắn máy. Điều đó cho thấy thương hiệu xe đến từ Nhật Bản đã quá quen thuộc. Nhưng ít ai biết rõ về hãng xe nổi tiếng này.

Nói về lịch sử của Honda là nói về lịch sử của một con người: Soichiro Honda. Ước mơ của ông là muốn mang những chiếc xe gắn máy đến với tất cả mọi người. Ông cũng đã có đóng góp rất lớn trong việc “cải tiến bước di chuyển của con người”.

PF_mr_honda
Soichiro Honda

Bắt đầu từ ước mơ
Soichiro Honda là một tay đua, một doanh nhân và một nhà sản xuất, nhưng trên hết, ông là một người có ước mơ lớn. Ông muốn mang xe gắn máy đến với mọi người, với những khả năng tài chính khác nhau. Vì thế, ông bắt đầu sản xuất xe gắn máy cỡ nhỏ, sản phẩm đầu tiên là chiếc D- Type Dream. Honda còn là một tay đua, và ông cũng mê những chiếc xe đua. Vì thế công ty ông tạo ra những cỗ máy lớn hơn, nhanh hơn, bắt nguồn từ 2, 4, 5 rồi 6 xylanh.
Nhưng trong câu chuyện này, vào thời điểm mới thành lập, Honda chưa phải là một nhà sản xuất xe gắn máy lớn nhất thế giới. Nhiệm vụ đầu tiên của công ty trong thời điểm hiện tại là tiêu thụ những động cơ 2 kì còn sót lại sau chiến tranh của quân đội, đây là những động cơ khá hiện đại với giá thành đắt đỏ. Nhưng sau chiến tranh, nhu cầu của người dân Nhật lại là những chiếc xe giá rẻ, khi hệ thống giao thông công cộng bị tàn phá nặng nề và nhiên liệu được cung cấp một cách rất hạn chế. Vì thế, Soichiro Honda quyết định sẽ hoán cải và bán chúng với giá rẻ bằng cách lắp động cơ vào những chiếc xe đạp.
Tháng 10 năm 1946, xưởng sản xuất ở Hamamatsu đã hoàn thiện sản phẩm môtô đầu tiên có cả pedal và bàn đạp. Đối mặt với tình trạng khan hiếm nhiên liệu, những chiếc xe này được chạy bằng dung dịch chiết xuất từ nhựa thông (loại nhiên liệu này được sản xuất nhiều và cung cấp trong cả nước). Tuy nhiên, nhựa thông dẫu sao cũng không phải là một giải pháp hay cho những chiếc động cơ 2 thì, bởi nó yêu cầu người sử dụng đạp pedal liên tục để làm nóng động cơ trước khi khởi động.
Bài toán đầu tiên đã được giải, sau khi số động cơ thừa được tiêu thụ hết, ông Honda quyết định bắt đầu sản xuất những chiếc xe của chính mình. Sử dụng nguyên mẫu là những chiếc động cơ 2 kì còn thừa trước đây, ông đã xây dựng một bản thiết kế mới cho một loại động cơ 50cc với vị trí lắp động cơ không thay đổi so với những chiếc xe trước.

3_honda-cub-a-type
Honda A-Type

Mùa đông năm 1947, chiếc A-Type được sản xuất với công suất 0,5 sức ngựa. Vẫn sử dụng dung dịch nhựa thông, chiếc xe hoạt động cùng với vô số khói và mùi khó chịu, có lẽ vậy mà người ta vẫn quen gọi nó với cái tên ấn tượng: Bếp lò.

Biến giấc mơ thành hiện thực
Soichiro Honda chính thức thành lập Honda Motor vào năm 1948 ở tuổi 41. Được sự giúp đỡ về tài chính của Takeo Fujisawa (người mà sau này trở thành phó chủ tịch của Honda Motor), họ nhanh chóng xây dựng nên một đế chế xe gắn máy cho mình. 1948 cũng là năm Honda sản xuất bản động cơ 90cc của A-Type và được gọi là B-Type.
Gần 5 năm sau chiến tranh, kinh tế Nhật đã thoát khỏi giai đoạn khó khăn, đây là lúc Honda nghĩ tới việc sản xuất những chiếc xe máy thực thụ sao cho phù hợp với túi tiền của người dân. Năm 1949, Honda cho ra mẫu D-Type, chính Soichiro Honda đã quản lí tất cả các công đoạn sản xuất đến khi hoàn thiện. Đó là chiếc xe đầu tiên do công ty Honda hoàn toàn sản xuất, một công việc toàn diện và phức tạp hơn nhiều so với việc chỉ lắp động cơ lên 1 thân xe đạp trước đây. Honda đã gọi nó là “The Dream” bởi đó là giấc mơ của ông, giấc mơ được sản xuất một chiếc xe hoàn thiện.

e_type
E-Type Dream

Bản phát triển tiếp theo là động cơ 146cc OHV (Over Head Valve) 4 kì được đặt tên là E-Type Dream. Một động cơ mạnh mẽ với công suất 5,5 sức ngựa và có thể đạt tốc độ 50mph ( khoảng 80km/h). Chiếc xe có khung thép và đầy đủ cả giảm xóc trước sau. Vào tháng 10 năm 1951, chiếc Dream mới được sản xuất với tốc độ 130 chiếc 1 ngày.
Bên cạnh những chiếc xe “đúng nghĩa” Honda vẫn không quên thị trường xe giá rẻ, năm 1952, họ sản xuất chiếc “Cub” F-Type đầu tiên, chiếc xe hai kì với dung tích 50cc và 0.5 sức ngựa đã bán được với số lượng cực lớn. Chưa đầy 1 năm sau, sản lượng “Cub” đã đạt tới 6500 chiếc 1 tháng, chiếm 70% thị phần xe 2 bánh ở Nhật.
Năm 1953, Honda sản xuất chiếc xe 90cc J-Type, một sản phẩm được ứng dụng nhiều công nghệ phức tạp, được biết đến với cái tên Benly (trong tiếng Nhật nghĩa là: sự tiện nghi). Với hộp số 3 cấp, công suất 3.8 sức ngựa và thậm chí giảm xóc trước còn dùng dạng ống lồng, Honda đã bán được với mức 1000 xe/tháng.
Năm 1954, chiếc scooter 200cc Juno được sản xuất để cạnh tranh với Vespa – mẫu xe thời gian đó đã bắt đầu xuất hiện ở Nhật. Honda cũng cải tiến chiếc Dream và Benly đặc biệt là về dung tích động cơ.

honda-dream-c70-01
C70 Dream

Tháng 9/1957, Honda cho ra đời động cơ 2 xylanh đầu tiên của hãng, chiếc C70 Dream với 250cc. Đầu những năm 1958, Honda bắt đầu gắn hệ thống khởi động điện cho những chiếc C70 và đặt kí hiệu là C71. Năm 1959 chiếc Benly mới nhất được tung ra với động cơ 125cc và đạt vận tốc đến 100km/h.
Sự phát triển liên tục của Honda được đánh dấu bằng danh hiệu nhà sản xuất xe gắn máy thành công nhất tại Nhật.

Bước đầu tiên sản xuất xe phân khối lớn

Sau sự khởi đầu thành công với xe giá rẻ, Honda tiếp tục sự nhảy vọt của công ty bằng bước tiến vào thị trường nước ngoài với dòng xe phân khối lớn.
Năm 1959 đánh dấu bước tiến đầu tiên của Honda vào thị trường Mĩ, dường như đây cũng là một mảnh đất lành với Honda khi họ có những mẫu xe bán chạy nhất (với 30 triệu xe tính tới thời điểm này). Những chiếc xe đó hoàn thiện đến nỗi mà sau 25 năm C50, C70 và C90s cũng chỉ có những thay đổi bề ngoài để khiến chúng trông hiện đại hơn mà thôi.

236745_ExL_B0sBXZV4wcvKmL6x
C72 Dream 250cc

Trong cùng năm 1959, Honda giới thiệu chiếc C72 Dream 250cc tại Amsterdam. Đó là chiếc xe Nhật đầu tiên được trình diễn tại châu Âu. Chiếc xe đã làm bất ngờ khách tham quan bởi những chi tiết mới lạ: khung thép gia cường, giảm xóc kép phía trước, động cơ nhôm OHC với hệ thống khởi động điện.
Vào thời điểm đó ở Anh, người ta bị giới hạn không được lái xe có dung tích quá 250cc, vì thế, những tay mê xe vẫn muốn được lái những chiếc xe nhanh nhất trong tầm dung tích được cho phép. Và C72 là một chiếc xe như thế, nó dễ dàng đạt tốc độ 80mph (130km/h) mà chỉ tiêu thụ 4lít nhiên liệu cho 100km.
Ngay từ ngày mới thành lập, S.Honda đã muốn thương hiệu Honda tham gia vào những cuộc đua và họ đã có mặt tại hơn 100 giải đua xe trên khắp thế giới. Những bài học từ việc tạo ra những cỗ máy có hiệu năng cao chính là tiền đề để phát triển những cải tiến cho dòng xe thương mại sau này.
Phát triển những chiếc xe nhanh và mạnh
Năm 1962, Hondells đã ghi âm bản nhạc “Little Honda”, Honda chính thức đi vào nền văn hóa âm nhạc Mĩ từ ca khúc đó. Chiếc C77 305cc là bản cải tiến tiếp theo, một chiếc xe thể thao thực sự với công suất tới 28,5 sức ngựa.
Năm 1965, với khao khát luôn luôn muốn chinh phục những thị trường mới Honda đã chính thức nhảy vào thị trường xe phân khối lớn với sản phẩm đầu tiên là CB450 với 43 sức ngựa. Chiếc xe với động cơ twin, cam đôi DOHC và hệ thống “torsion bar valve springs “ (một hệ thống dây trợ lực giúp van đóng mở nhanh hơn). Những cải tiến đó đã giúp chiếc xe dễ dàng đạt vận tốc 167 km/h. Tuy nhiên, dù có những thay đổi đáng kể, lượng xe CB450 bán ra trên thị trường vẫn khá thấp.

1971-Honda-CB-350
CB350

Đến năm 1968 thì Honda chính thức dừng sản xuất dòng xe CB72 và CB77 và thay vào là một thế hệ mới: chiếc CB250 và CB350 có thể đạt vận tốc 170km/h.
Tại Tokyo Show năm 1968, sau nhiều tháng chuẩn bị, Honda cho ra đời một chiếc concept mà từ đó về sau, đã thay đổi hoàn toàn thế giới xe thể thao. Đó là chiếc xe với động cơ 4 xi-lanh 750cc, với sự xuất hiện lần đầu của phanh đĩa. Chiếc CB750F chính là chiếc xe lớn nhất ở Nhật vào thời điểm đó.

001_CB750F
Honda CB750F

Tháng 4 năm 1969, Honda thỏa lòng người hâm mộ bằng việc chính thức sản xuất chiếc CB750F. Với tính năng vận hành hoàn hảo, chiếc xe đã đạt được vận tốc 192km/h và là tốc độ cao nhất mà một chiếc xe có thể đạt được trên đường vào thời điểm đó.
Từ nền tảng công nghệ vững mạnh…
Giữa thập kỉ 70, Honda sản xuất loại moped hai kì với tên Amigo. Việc sản xuất động cơ hai kì loại nhỏ tốn chi phí ít hơn nhiều so với động cơ 4 kì, vì thế, chiếc Amigo đã mở ra một giai đoạn mới cho những chiếc xe hai kì.

a114205_1
Honda Amigo

Tháng 2/1970, Honda tham gia vào thị trường xe 3 bánh off-road với chiếc ATC90. Làm quen với phân khúc này, Honda đã nghiên cứu một công nghệ mới áp dụng cho các dòng xe 3 bánh gọi là ATC (All Terrain Vehicle – xe vượt mọi địa hình). Cùng với xe 3 bánh là các loại xe 2 bánh motocross 2 kì và 4 kì cải tiến.

73-ATCsweb1
Honda ATC

Sau nhiều năm chiếm ưu thế tại châu Âu, chiếc xe đua cải tiến từ nền CB750 đã giành chiến thắng tại giải đua lớn đầu tiên của nước Hoa Kỳ. Chiến thắng này đã cảnh báo người Hoa Kỳ về một đối thủ tầm cỡ trên tất cả các đường đua. Thời điểm giữa thập kỉ 70 cũng là giai đoạn mà Honda liên tục nâng cấp động cơ: động cơ 500cc-four được cải tiến thành 550cc, động cơ 350cc được nâng lên 360cc.
Những chiếc xe gắn động cơ 250cc và 350cc cũng được cải tiến thường xuyên về kiểu dáng. Sự cải tiến những mẫu xe thể thao của Honda diễn ra không ngừng nghỉ, năm 1976, họ cho ra mắt hộp số tự động đầu tiên cho chiếc CB750A và động cơ V-twin 3 van cải tiến trên những chiếc môtô cross CR 250.

honda-gl1000-4
GL 1000 Gold Wing

Cuối thập kỉ 70, Honda giới thiệu những chiếc trail bike (xe đi đường dài) với mẫu SL 250 phục vụ tốt cả nhu cầu off-road. Từ sự thành công của SL 250, Honda quyết định đi một nước cờ chiến lược vào thế giới xe touring với chiếc GL 1000 Gold Wing, với 4 động cơ hợp góc 180 độ cao cấp, làm mát bằng nước. Trong chiến lược đó, Honda không chỉ sản xuất 1 mẫu xe mà họ đã tạo ra một văn hóa đi lại mới. GL 1000 đã được coi là chuẩn mực về sự thoái mái, tiện nghi, được trang bị hệ thống dẫn động trục cùng phanh đĩa và bình xăng gọn gàng 4.8 gallon (so với bình xăng chuẩn 6 gallon của xe Harley).
Bước sang thập kỉ 80, những thuận lợi mới tiếp tục đồng hành cùng Honda như việc họ đạt được giấy phép sản xuất xe gắn máy với dung tích lớn tại Hoa Kỳ. Ngay lập tức họ cho ra đời chiếc CBX 1047cc với 6 xylanh, bản cải tiến của chiếc xe này đã giành chiến thằng tại giải đua Isle of Man.

… Đến “Người dẫn đường” trong thế kỉ mới
Để chứng tỏ vị trí dẫn đầu về công nghệ của mình, năm 1982, Honda cho ra mắt động cơ tăng áp đầu tiên cho xe gắn máy. Trên thị trường xe custom, Honda cho ra mắt mẫu Honda Shadow – một chiếc xe kết hợp giữa kiểu dáng cổ điển và những công nghệ tiên tiến nhất như động cơ làm mát bằng nước, dẫn động bằng trục. Không giống như những chiếc custom nặng nề khác, Shadow được tạo ra để phù hợp với nhiều mục đích với khả năng trình diễn cao trên nhiều loại đường.

10_Honda_Shadow_Phantom
Honda Shadow

Sau thành công của Shadown tại thị trường Mỹ, Honda đã có một chiến lược đầu tư tổng thể vào thị trường này. Khởi đầu là sự ra đời của trung tâm Nghiên Cứu của Honda tại Hoa Kỳ vào năm 1984. Trung tâm này có trách nhiệm phát triển những sản phẩm mới tại thị thị trường này sao cho nó phù hợp với những con đường, tính cách và lối sống Mỹ.
Trong suốt thập kỉ 90, Honda tiếp tục cuộc chinh phục thế giới bằng những cải tiến về công nghệ và sự hiểu biết sâu sắc văn hóa thị trường của mình. Soichiro Honda đã được vinh danh tại Automobile Hall of Fame (một bảo tàng vinh danh những con người có đóng góp lớn nhất cho nền công nghiệp sản xuất xe) tại Hoa Kỳ vào tháng 10 năm 1989.

honda_cub_sam_gilbert
Xe Cub của Honda trong tương lai

Kể từ ngày Soichiro Honda đặt những viên gạch đầu tiên, trải qua 50 năm phát triển, giờ là lúc để nghĩ đến con đường trong 50 năm tiếp theo. Honda sẽ tiếp tục những gì đã làm cho tên tuổi của họ trở nên đặc biệt và thành công. Xác định phát triển công nghệ là con đường sống còn, Honda tự hứa vơi khách hàng rằng những gì họ thấy trong giấc mơ hôm nay sẽ có mặt tại showroom của hãng vào ngày mai. Và trên hết, ngọn lửa nhiệt huyết sẽ tiếp tục cháy để Honda làm tốt trách nhiệm người dẫn đường trong thế kỉ mới.

Nguồn: nguoiduatin.vn

Tags: