Xe 2 bánh Suzuki tại Việt Nam thập niên 1960

Từ những chiếc xe đạp là phương tiện di chuyển phổ thông của những thập niên 1940-1950, qua thập niên 1960 tại miền nam Việt Nam đã được cơ giới hoá một phần lớn với những dòng xe gắn máy và scooters nhập cảng từ Châu Âu.

 Khi những người Mỹ thuộc những nhóm thiện nguyện viên Peace Corps đến giúp phát triển nông nghiệp và công nghiệp vào những năm đầu thập niên 1960 lúc chưa có chiến tranh bùng nổ lớn tại miền nam Việt Nam, họ có đem theo một số xe gắn máy và scooters nhập cảng từ Nhật Bản để sử dụng trong nhu cầu đi lại. Khác với những chiếc xe gắn máy của Châu Âu, những chiếc xe nhật có hình dạng cứng cáp và thiết kế hài hoà đã gây được sự chú ý trên đường phố.
Photobucket
Xe Suzuki 55cc M31, một trong những xe Suzuki xuất hiện đầu tiên ở Việt Nam

Nhằm trong việc cơ giới hoá những phương tiện giao thông ở thành phố như tại Sài Gòn, chính quyền Việt Nam Cộng Hoà đã giúp cho những phu xe ngựa, một phương tiện giao thông cồng kềnh và chậm chạp, được thi bằng lái miễn phí và mua xe 3 bánh có động cơ như xe Innocenti Lambro và Piaggio Vespa trả góp để luồng xe cộ giao thông được đồng bộ, tránh sự tắc nghẻn khi tham gia vào lưu thông trong thành phố.

Photobucket
Photobucket
2 kiểu xe Suzuki 50cc được thấy đầu tiên tại Việt Nam: M15 và M12 Mark I

Cũng trong việc cải thiện đời sống công chức và quân nhân, chính quyền VNCH cho phép họ mua xe gắn máy nhập cảng từ Nhật Bản vào năm 1965 mà đợt đầu với những chiếc xe Honda C-50 Cub và S-50, tiếp theo sau là những chiếc xe Kawasaki và Suzuki đầu tiên được Cục Quân Tiếp Vụ QLVNCH nhập cảng và bán trực tiếp cho những quân nhân thuộc những đơn vị trú đóng quanh Sài Gòn và sau đó là những quân nhân phục vụ trong các đơn vị khác trên miền nam Việt Nam.

Sau đây là phần sơ lược lịch sử dòng xe Suzuki và những kiểu xe Suzuki đã sử dụng tại Việt Nam trong thập niên 1960.

Sơ lược lịch sử xe máy Suzuki – スズキートバイ

Công ty Suzuki Motor được thành lập bởi Michio Suzuki, con trai một nông dân trồng bông ở Nhật Bản . Ông sinh ra vào năm 1887 tại Hamamatsu, một thị trấn nhỏ 200 km từ Tokyo. Khi Michio lớn lên ông trở thành một người thợ mộc và cũng là một doanh nhân trẻ. Năm 1909, ở tuổi 22, ông đã sáng chế một khung cửi gỗ có bàn đạp điều khiển và bắt đầu bán sản phẩm của mình. Công ty Suzuki Loom được thành lập, việc khuyến mãi diễn ra tốt đẹp, những cổ phiếu từ từ đã được phát triển và Michio Suzuki tiếp tục cải tiến máy dệt của mình cho ngành công nghiệp dệt lụa. Những máy móc mới với nhiều cấu trúc phức tạp hơn đã được phát triển và sự kinh doanh sản phẩm đã phát triển mạnh.
 Photobucket
Michio Suzuki (1887-1982) nhà sáng lập công ty Suzuki Motor Corporation
Mười một năm sau, 1920, Michio Suzuki đã quyết định đưa kinh doanh của mình vào thị trường chứng khoán. Những ngày mà một gia đình kinh doanh nhỏ đã qua lâu rồi, Michio Suzuki cần vốn để có thể mở rộng kinh doanh hòng đáp ứng nhu cầu của thị trường ngày càng tăng. Ông ta thành lập Công ty Sản xuất Suzuki Loom (Suzuki Jidosha Kogyo) vào tháng Ba năm 1920 và được coi là sự khởi đầu của Công ty Suzuki Motor như chúng ta biết ngày nay. Công ty đã tổ chức kỷ niệm 90 năm của nó vào năm 2010. Mặc dù với sự thành công của máy dệt của Michio Suzuki, ông ta cho rằng công ty của ông sẽ được hưởng lợi thêm từ sự đa dạng hóa và ông bắt đầu nhìn vào các sản phẩm khác. Căn cứ vào nhu cầu tiêu dùng ông đã quyết định rằng sản xuất một chiếc xe nhỏ sẽ là liên doanh mới thiết thực nhất. Dự án bắt đầu vào năm 1937 và trong vòng hai năm sau, Suzuki đã hoàn tất một số xe nguyên mẫu nhỏ gọn. Những chiếc xe Suzuki đầu tiên có động cơ được trang bị động cơ 4 xy-lanh, 4-thì và làm mát máy bằng nước. Nó có một cốt máy đúc và hộp số tạo ra 13 mã lực (9,7 kW) với dung tích lòng máy dưới 800cc.

Photobucket

Một xe đạp có gắn động cơ hổ trợ Suzuki SJK “Power Free” năm 1952
Photobucket
Một xe đạp Miyata trong bảo tàng Suzuki với một động cơ Suzuki, một điều kỳ thú ở đây: Miyata là một nhà sản xuất xe mô-tô đầu tiên ở Nhật Bản, sau cuộc chiến tranh xe mô-tô khốc liệt tại Nhật suốt gần 3 thập niên, Miyata đóng cửa chi bộ sản xuất xe mô-tô vào năm 1959 chỉ còn giử lại chi bộ sản xuất xe đạp đến ngày nay.

Với sự khởi đầu của Thế chiến II (1939-1945), kế hoạch sản xuất xe Suzuki mới bị dừng lại khi chính phủ tuyên bố những chiếc xe chở khách dân sự là một món “hàng hóa không cần thiết.” Sau Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc, Nhật Bản đầu hàng quân Đồng Minh trong hoàn cảnh khu kỹ nghệ Hamamatsu bị dội bom nặng nề, những nhà máy chuyên sản xuất vũ khí phục vụ chiến tranh nay buộc phải đóng cửa hoặc chuyển đổi sang sản xuất những món hàng tiêu dùng.

Suzuki quay trở lại sản xuất máy và khung dệt. Việc sản xuất máy dệt đã càng ngày càng tăng khi chính phủ Hoa Kỳ chấp thuận việc vận chuyển bông sang Nhật Bản. Vận may của Suzuki vụt sáng với những đơn đặt hàng bắt đầu tăng lên từ các nhà sản xuất dệt may trong nước. Nhưng niềm vui không kéo dài lâu khi thị trường bông quốc tế sụp đổ vào năm 1951.

Photobucket
Xe Colleda  125cc COX năm 1955
Photobucket
Xe Colleda  Porter Free 1956
Photobucket
Xe Colleda STK SJK 1958
Nhu cầu vận chuyển rất cần thiết sau chiến tranh, cũng như các nhà kỹ nghệ sản xuất cơ khí và máy móc khác, Suzuki bắt đầu việc sản xuất những xe 2 bánh và những cổ máy dung tích nhỏ có thể gắn vào xe đạp đáp ứng lại nhu cầu vận chuyển của dân chúng. Cổ máy nhỏ gắn vào xe đạp mà Suzuki sản xuất ra với tên gọi là “Power Free”, được thiết kế với những cơ phận ít tốn kém và đơn giản dể sản xuất và bảo trì, máy “Power Free” đầu tiên 1952 mang đặc trưng một động cơ 36cc 2-thì, 1 mã lực. Một tính năng chưa từng có là hệ thống thiết bị xe hai bánh, cho phép người lái có thể sử dụng hai cách đi xe: hoặc với động cơ trợ giúp, hoặc dùng bàn đạp mà không có động cơ hỗ trợ, hoặc chỉ đơn giản là ngắt kết nối bàn đạp và chạy bằng động cơ một mình. Hệ thống này rất khéo léo mà văn phòng cấp bằng sáng chế của chính phủ dân chủ Nhật Bản mới thành lập cấp cho Suzuki cùng với trợ cấp tài chính để tiếp tục nghiên cứu về kỹ thuật xe máy, và do đó Tổng công ty xe máy Suzuki – Suzuki Motor Corporation được sinh ra.
Photobucket
Xe Colleda  ST6A 1959, trên bình xăng mang huy hiệu chử S
Photobucket

Xe Colleda SEL Twin với máy đôi 2-thì 125cc năm 1959

Cùng lúc, Suzuki quay lại việc sản xuất xe 4 bánh bỏ dở vào cuối thập niên 1930, không như mọi người lầm tưởng rằng Honda đã sản xuất xe ô-tô trước Suzuki. Thật sự ra thì Suzuki đã đi trước Honda về công nghiệp chế tạo xe ô-tô. Xe Suzulight được đưa vào sản xuất tháng 4 năm 1955, là xe “Suzuki bốn bánh” kiểu SF. Nó dựa trên kiểu xe Lloyd LP400 sau khi Suzuki lựa ra kiểu mẩu để chế tạo, cũng đã được coi tựa như là loại Citroën 2CV Renault 4CV mà Suzulight SF chia sẻ về kỹ thuật và thiết kế. Sự ra đời của loạt xe Suzulight cũng đáp ứng một cách độc đáo với “Chương trình xe của nhân dân” mà Bộ Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (MITI) vừa công bố, được thành lập với mục tiêu dành cho ngành công nghiệp sản xuất ô-tô của Nhật Bản với kiểu xe bốn chỗ ngồi và tốc độ khoảng 100 km/giờ, giá khoảng 150.000 ¥, nhằm vào việc tăng tốc độ cơ giới hóa của đất nước.

Photobucket
Kỹ sư Đông Đức Ernst Degner đã đóng góp rất nhiều vào sự phát triển xe máy Suzuki, hình chụp Degner tham dự vòng đua Isle of Man TT 1962 và đoạt giải với chiếc Suzuki 50cc RM62

Suzuki sản xuất trung bình 6.000 xe máy hàng tháng từ năm 1954, dưới thương hiệu Colleda với 2 kiểu xe đầu tiên: Colleda COX 125cc 4-thì xi-lanh đơn và Colleda ST 125cc 2-thì xi-lanh đơn tiếp đến lànhững xe Colleda 250cc. Năm 1958, những xe mô-tô Colleda mang huy hiệu hình chử S chử đầu của Suzuki được ra mắt thay cho huy hiệu cũ đã dùng trước đây, tuy nhiên cũng còn những động cơ vẫn khắc 3 chử SJK (Suzuki Jidosha Kogyo) trên nắp máy. Năm 1959, Suzuki sản xuất kiểu xe mô-tô Colleda mới SelTwin với máy đôi 2-thì 125cc có bộ khởi động máy bằng điện.

Photobucket
Một kiểu xe đua Suzuki 50cc RK67 cuối cùng của Suzuki trước khi rút tên khỏi những cuộc đua xe thế giới loại 50cc do điều luật mới khắt khe – với chiếc RK67 bộ máy 2 xi-lanh, Suzuki đã giử chức vô địch thế giới 2 lần liên tiếp 1967-1968
Photobucket
Xe Suzumoped SM1 động cơ 50cc 2-thì 1958
Xe Suzuki tại Việt Nam – thập niên 1960

Những chiếc xe Suzuki đầu tiên lưu thông ở miền nam Việt Nam do những thiện nguyện viên Mỹ sang trợ giúp kỹ thuật về nông nghiệp vào năm 1961-1962 mà họ mua trực tiếp từ Nhật Bản, lúc đầu là những xe với dung tích máy 50cc và 55cc gồm 3 kiểu: “Suzy” M31 55cc Step-Thru, 50cc “Collegian” M15 Sport STD và “Cavalier” M12 Super Sport.

Photobucket
Xe Suzuki “Collegian” M15 Mark I ở Hoa Kỳ
Photobucket
Xe Suzuki “Collegian” M15 Mark I ở Châu Âu với vè chắn
Photobucket
Xe Suzuki 120 “Magnum” B100P

Qua năm 1965, sau khi những chiếc Honda C-50 và S-50 được chính quyền VNCH nhập cảng vào Việt Nam dành cho những công chức và quân nhân, vào đầu năm 1966, là những xe gắn máy 50cc Kawasaki và Suzuki xuất hiện trên đường phố. Cùng lúc với chiến tranh leo thang giửa 2 miền nam bắc, quân đội Hoa Kỳ và Đồng Minh đổ bộ vào miền nam Việt Nam, vài quân nhân Mỹ sử dụng những xe Suzuki 80cc “Challenger” K11 Super Sport, “Corsair” 80cc K10 Sport, 120cc “Magnum” B100P Super Sport và 250cc “Crusader” T20 Super Sport.

PhotobucketXe Suzuki 80 “Corsair” K10 Sport
Photobucket
Chi tiết động cơ xe Suzuki 80 “Corsair” K10 Sport
Photobucket
Xe Suzuki 80 “Challenger” K11P Super Sport
Photobucket
Xe Suzuki 80 “Challenger” K11 Super Sport với 2 chổ ngồi
Photobucket
Xe Suzuki 250 “Crusader” T20 Super Sport

Có tất cả 3 kiểu xe Suzuki 50cc được nhập cảng – loại xe 50cc trở xuống không cần phải có bằng lái xe – với 3 mầu sơn: Đỏ, đen và xanh mà đa số người sử dụng chuộng 2 mầu đỏ và đen. Kiểu dành cho phụ nữ là chiếc Suzuki 50cc “Suzy” M30 Step-Thru và 2 kiểu dành cho phái nam là chiếc “Cavalier” M12 Mark II Super Sport và chiếc “Collegian” M15 Mark II Sport – cả 2 kiểu xe nam nầy đều là kiểu mới so với các kiểu xe 50cc gọi là Mark I vẫn còn bán tại Châu Mỹ và Châu Âu – với hình dạng bình xăng mới và phuộc nhún trước của xe M15 vay mượn từ kiểu M12 Super Sport. Mãi cuối năm 1966, những kiểu xe nam 50cc Mark II mà người việt đang sử dụng mới được bán ra ở Châu Mỹ và Châu Âu.

Photobucket
Xe Suzuki 50cc “Suzy” M30 Mokick
Vài chi tiết kỹ thuật:  dài 1.785 mm – rộng 610 mm – cao 930 mm – khoảng cách 2 trục bánh xe 1.130 mm – nặng 56 kg – Động cơ 49cc 2-thì mát máy bằng gió, công suất 4 mã lực với vòng quay máy 6.800 vòng/phút – mô-men xoắn tối đa 0,45 kg-m với vòng quay 5.000 vòng/phút – tỷ số nén 6,3 – dung tích bình xăng 3,5 lít – bộ chế hoà khí Mikuni VM15SC – tốc độ tối đa 70 km/giờ.
Photobucket
Một xe Suzuki M30 trên đường phố Sài Gòn
Photobucket
Một xe Suzuki M30 cạnh Hồ Than Thở (Lac des Soupirs) tại Đà Lạt trước năm 1975

Số lượng xe Suzuki bán ra cũng được khá cao, nhờ vào sự việc ông giám đốc điều hành khuyến mãi của American Honda Motor là Jack McCormark qua đầu quân cho Suzuki từ năm 1963, là người có đầu óc thẩm mỹ, từ dáng vóc những chiếc Suzuki thô kệch vào cuối thập niên 1950 đã trở thành những chiếc xe vóc dáng thanh tao – trong bài viết nầy, các bạn có thể so sánh sự biến đổi mẩu mã từ những chiếc Suzuki 50cc đến các loại mô-tô lớn hơn, cộng vào đó là những chiến thắng liên tục của những xe đua Suzuki, đặc biệt là kiểu xe 50cc đã gây ấn tượng cho người tiêu thụ.

Photobucket
Xe Suzuki 50cc  “Collegian” M15 Mark II
Photobucket
Một brochure về xe Suzuki M12 Mark II Super Sport

Photobucket

Xe Suzuki 50cc “Cavalier” M12P Mark II Super Sport
Vài chi tiết kỹ thuật 2 kiểu xe M15 và M12: dài 1.815 mm – rộng 613 mm – cao 930 mm – khoảng cách 2 trục bánh xe 1.160 mm – nặng 60 kg – Động cơ 49cc 2-thì mát máy bằng gió công suất 4,5 mã lực với vòng quay máy 8.000 vòng/phút – mô-men xoắn tối đa 0,42 kg-m với vòng quay 7.000 vòng/phút – tỷ số nén 6,7 – dung tích bình xăng 6 lít – bộ chế hoà khí Mikuni VM15SC – tốc độ tối đa 80 km/giờ.
Photobucket
Xe Suzuki M-12 của tôi sử dụng ở Sài Gòn vào năm 1967

Tại Việt Nam phần quảng cáo và khuyến mãi cũng không kém, từ radio mà người ta có thể nghe câu quảng cáo: “Suzuki…thanh lịch trong thành phố, tiện lợi khi vào ngỏ hẻm…” cho đến những khúc phim quảng cáo trong những rạp chiếu bóng và những hình ảnh trên các tờ báo về những chiến thắng của xe đua Suzuki 50cc. Phần khác, những người tiêu thụ xe máy vẫn còn ấn tượng tốt với những động cơ 2-thì dùng xăng pha nhớt của các dòng xe Châu Âu nên việc khuyến mãi dòng xe Suzuki cũng dể dàng cho đến khi người sử dụng nhìn ra ưu điểm nổi bật của động cơ 4-thì Honda.

Photobucket
Xe Suzuki AS50 Sport xuất hiện vài chiếc ở Sài Gòn đầu thập niên 1970, do kinh tế lạm phát và đồng bạc Việt Nam mất giá nên việc nhập cảng xe khó khăn
Photobucket
Vài chi tiết về xe Suzuki AS50, với thiết kế mới động cơ 2-thì, bộ van hút xoay vòng, bình xăng và bình nhớt riêng nhằm cạnh tranh với xe Bridgestone BS-50 và các xe Yamaha 50
Qua thập niên 1970, chiến tranh Việt Nam trong thời kỳ cao điểm, số lượng xe Suzuki sử dụng trên các nẻo đường cũng nhiều, mặc dù Suzuki đã đổi kiểu xe 50cc như Suzuki AS50 nhưng số lượng xe mới rất ít, lác đác vài chiếc mà phần lớn nguyên do từ đồng đô-la Mỹ lên giá so với tiền việt đã gây khó khăn cho việc nhập cảng. Mặt khác với những dòng xe Yamaha và Bridgestone động cơ 2-thì với bộ van hút và có hệ thống bình xăng riêng, bình nhớt riêng cạnh tranh ráo riết với những chiếc Suzuki còn dùng chung bình xăng pha nhớt và máy 2-thì cổ điển đã gây khó khăn cho những nhà nhập cảng xe Suzuki.

Ngày nay người ta còn thấy tuy không nhiều, những chiếc Suzuki M30, M12 và M15 vẫn còn trong tình trạng hoàn hảo tại Việt Nam nhờ vào những người ái mộ xe cổ Suzuki bảo dưởng.

Photobucket
Một xe Suzuki M30 ngày nay tại Nhật Bản
Photobucket
Một xe Suzuki M12 ngày nay tại Hoa Kỳ
Copy from Francois Buis at htt://hoangkimviet.blogspot.com
Nguồn: Wikipedia – Suzuki Motorcycle Japan – Suzukicycles.org – Japan’s Motorcycle Wars của Jeffrey W. Alexander – Studio Bloodfield – Nhân dulich – Time-Life Magazines – Francois Buis – VNAF MAMN Website – Blogs Suzuki Japan.

 

Tags: